CHÍNH PHỦ Số: 34/2010/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc __________________ Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ
_________
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Điều 4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Điều 5. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả
Điều 6. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn hoặc không thời hạn
Điều 7. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là những hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
a) Các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ;
b) Các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
c) Các hành vi vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
d) Các hành vi vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ;
đ) Các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ;
e) Các hành vi vi phạm khác liên quan đến giao thông đường bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử phạt theo quy định của Nghị định này.
2. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì áp dụng hình thức xử lý theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Máy kéo là loại xe gồm phần đầu máy tự di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo).
2. Các loại xe tương tự ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một xát xi.
3. Các loại xe tương tự mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh, có dung tích làm việc từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân tối đa là 400 kg.
4. Xe máy điện là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ điện, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h.
5. Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 30 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (bao gồm cả xe đạp điện).
6. Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 50 km/h, trừ các xe quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Thời gian sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm là khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
Điều 4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 (sau đây gọi là Nghị định số 128/2008/NĐ-CP).
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải do người có thẩm quyền được quy định tại các Điều 47, 48, 49 và Điều 50 của Nghị định này tiến hành.
3. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất phương tiện;
d) Các biện pháp khác được quy định tại Chương II Nghị định này.
Điều 6. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn hoặc không thời hạn
1. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn hoặc không thời hạn được áp dụng đối với người điều khiển phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, người vi phạm không được điều khiển các loại phương tiện (được phép điều khiển) ghi trong Giấy phép lái xe, xe máy chuyên dùng.
2. Người điều khiển phương tiện bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn 60 (sáu mươi) ngày phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ trước khi nhận lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
3. Trường hợp người điều khiển phương tiện bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không thời hạn thì Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không còn giá trị sử dụng. Sau thời hạn 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không thời hạn thì người lái xe mới được làm các thủ tục theo quy định để được đào tạo, sát hạch cấp mới Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
4. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, tổ chức việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ có thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 7. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai thì thời hiệu xử phạt là hai năm; nếu quá các thời hạn nêu trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì bị xử phạt hành chính; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
3. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
4. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.